Du khách nhí nước ngoài thích thú với sân chơi gốm.
Làng cổ Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) cách trung tâm Thủ đô Hà Nội không xa, vì vậy, để thỏa lòng yêu thích gốm, du khách có thể đến Bát Tràng bằng xe bus, theo tour hay chỉ đơn giản, tự do như đi xe máy.
Làng gốm Bát Tràng chia 5 xóm nhỏ thì xóm 1 và 2 được gọi là xóm cổ. Ở đây, nhà nhà làm gốm, người người đều tham dự vào những công đoạn của nghề gốm. Để có một mẻ gốm hoàn thiện phải qua rất nhiều khâu: khâu chọn, xử lí và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men, và cuối cùng là nung sản phẩm.
Kinh nghiệm truyền đời của dân làng gốm Bát Tràng là “Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò”. Giờ đây, các công đoạn cần thiết để có một sản phẩm hoàn thiện vẫn được làm theo lối thủ công, song riêng khâu “dạc lò” đã được cải tiến bằng hệ thống lò gas thay vì lò than như trước đây. Sản phẩm gốm Bát Tràng ngày nay cũng rất đa dạng và phong phú. Có cả một khu chợ gốm để khách du lịch tham quan, mua sắm, giá cả tùy thuộc vào chất lượng và đẳng cấp của các loại mặt hàng mà quý khách lựa chọn. Đến với làng gốm Bát Tràng, du khách còn được thỏa sức tham gia vào việc sáng tạo các sản phẩm từ nguyên liệu gốm theo ý tưởng của mình ở các sân chơi. Tại đây, có khoảng trên dưới 20 hộ dân mở dịch vụ sân chơi gốm. Với chi phí chừng 10 nghìn đồng, du khách các lứa tuổi có thể thoải mái vuốt, nặn, vẽ… trong vai một người thợ gốm. Đây được coi là một sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn khách du lịch của làng gốm Bát Tràng ngày nay.
Nhưng đối lập với sự nhộn nhịp chợ gốm, du khách hoài cổ có thể tìm đến không gian tĩnh lặng của một Bát Tràng dường như vẫn vẹn nguyên nét rêu phong, cổ kính. Ngôi làng cổ với những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo sâu hun hút. Ngõ này nối tiếp ngõ kia tựa mê cung và những xưởng gốm nhỏ nằm khuất trong các cánh cổng nhỏ. Tại đây, vẫn còn rất nhiều bức tường được xây cất bằng gạch gốm cổ do chính người Bát Tràng làm nên. Những ngôi nhà với mảng tường gạch phủ rêu hay vữa tróc loang lổ, những khung cửa sổ gỗ mòn vẹt, bạc màu… là một phần của kiến trúc làng cổ Bát Tràng.
Mỗi con ngõ chỉ rộng chừng 1,5m, thậm chí có người đã đo và cho biết chỗ hẹp nhất chỉ có 0,8m và người Bát Tràng chấp nhận thích nghi và chung sống với sự chật hẹp, gò bó đó. Họ tạo ra những quy ước riêng khi tham gia giao thông và chế ra những chiếc xe đẩy hàng loại nhỏ đi trong ngõ để bớt vất vả trong khâu vận chuyển.
Vì rất chật hẹp nên người Bát Tràng tận dụng hết mọi không gian có thể để phục vụ cho nghề gốm. Tuy đã cơ bản thay thế nung gốm bằng than bằng lò gas, song một số hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn dùng cách truyền thống để làm nên sản phẩm, và họ sử dụng các mảng tường trống để đắp, phơi than.
Làng gốm Bát Tràng nổi danh suốt hơn 500 năm lịch sử dù có chút đổi thay để thích nghi với cuộc sống đương đại vẫn mang đến cho du khách sự bình yên, tĩnh lặng thú vị của nét cổ xưa còn lưu giữ được.