Bạn trẻ học làm gốm Bát Tràng tại cơ sở Hoàng Thương. |
Thời gian này, dù các đơn hàng trong nước ngoài nước sụt giảm, nhưng nhiều gia đình vẫn “đốt lò” khi quay về sản xuất những mặt hàng phục vụ người dân trong nước. Và dù khó khăn, người trong làng vẫn ra chợ, vẫn mở hàng, vẫn bán túc tắc, để duy trì việc được giao lưu với khách hàng.
Chợ Bát Tràng ngày cuối tuần không còn đông đúc như trước, nhưng “nhiều sinh viên tới ngắm nghía và chụp ảnh”, ông Hưng, nghệ nhân có tiếng ở Bát Tràng, chia sẻ. “Các quán vuốt, nặn vẽ gốm rìa chợ lúc này vẫn “đắt hàng”, vẫn rộn tiếng nói, tiếng cười”.
Ông Phùng Văn Hữu trò chuyện với ông Hưng và mấy người bạn trong chợ gốm Bát Tràng. Ông Hữu là một trong những người đầu tiên trong làng mở ra trào lưu tổ chức “sân chơi” vuốt, nặn, vẽ bằng gốm, xuất phát từ tình yêu trẻ và mong muốn mọi người thỏa đam mê, thỏa tò mò và yêu nghề gốm, sứ hơn.
Hồi ông Hữu quyết định đầu tư cơ sở vật chất tới 200 mét vuông, ba ngôi nhà khang trang, liên hoàn chuỗi cửa hàng gồm nhà chứa sản phẩm, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm gốm, sứ và ngôi nhà hai tầng, chuyên đón tiếp “thượng khách” từ ấu nhi tới phụ lão tới để được vuốt, nặn, vẽ gốm, để được “trọn ngày vui” với gốm, nhiều người trong làng không ít băn khoăn. “Ngày trước, “khách ruột” của chúng tôi chủ yếu là học sinh, sinh viên, giờ chúng tôi đón cả khách mẫu giáo, và các đoàn khách lão thành trong và ngoài nước nữa đấy”, ông vui vẻ cho biết.
“Thực lòng, tuy không thu nhập bằng những đơn hàng lớn, bằng “công ten nơ”, nhưng vui lắm. Nhà tôi đã từng đón một đoàn gồm 1.200 cháu học sinh cấp III ở Hà Nội sang, phục vụ cả ăn trưa và nghỉ tại nhà, chỉ thu 15 nghìn đồng/người, cả công dạy nặn gốm (làm ra bình hoa, bát ăn cơm, đĩa ăn cơm, với đủ kiểu cách ...) cuối buổi được mang sản phẩm về.
Những khách lẻ, cơ sở thường thu từ 20-30 nghìn đồng trả trọn gói bao gồm thầy dạy, tiền “nghịch đất” và mang sản phẩm do tự tay mình làm ra. Còn những người cầu kỳ hơn, cần nung và tráng men thì có giá 40-60 nghìn/sản phẩm. Riêng những đoàn khách, chơi cả ngày ở Làng Bát Tràng, cơ sở còn phục vụ cả ăn trưa, chúng tôi sẽ phục vụ ăn trưa với đơn giá 50 nghìn đồng tới 200 nghìn đồng/bữa, tùy yêu cầu của thực khách”, ông Hữu hồ hởi khoe.
Nằm ngay cổng chợ, anh Hoàng ông chủ kiêm thày giáo “sân chơi” Hoàng Thương cho biết, nhờ “sân chơi” gia đình cũng có “đồng ra, đồng vào”. Tuy cơ sở của anh Hoàng không hoành tráng bằng cơ sở của bác Hữu, song những ngày đông khách tới “trải nghiệm nghề”, anh cũng thu được tiền.
Anh Hoàng bảo, anh dạy được 4 năm rồi, nhiều kỷ niệm vui, nhưng cũng nhiều lúc bực mình lắm, có người “dạy mỏi cả mồm” mà vẫn chưa làm được, dù đây chỉ là học kiểu “trải nghiệm”…
Thời buổi kinh doanh khó khăn, các cơ sở như nhà bác Hữu, nhà anh Hoàng cũng “mở thêm cửa cho làng nghề”, thu hút thêm khách du lịch đến thăm, cũng là tăng sức mua hàng hóa cho gia đình, cho làng nghề.
Bên cạnh những mặt hàng truyền thống, các gia đình sản xuất đủ mặt hàng, như đồ dùng gia đình, đồ thờ cúng, đồ trang trí đại cảnh, tiểu cảnh, lọ hoa chậu cảnh và đồ thờ.... Từ trong khó khăn, có những gia đình vẫn tìm ra lối đi riêng.
Nhà ông Hữu, bên cạnh cơ sở vuốt, nặn, vẽ gốm, bác còn làm thìa inox, được dập cán bằng gốm, sứ để bán. Thìa này trước nhập khẩu từ Trung Quốc có giá tới 25.000 đồng/chiếc, nay, người thợ Bát Tràng tự làm được giá chỉ có một nửa... Làng nghề cũng xuất hiện những cơ sở nhạy bén với thị trường như những công ty “gia đình” nổi tiếng về xuất khẩu trong làng như Công ty TNHH Quang Vinh, Công ty TNHH Thủy Kính... vẫn nhận được các đơn hàng xuất khẩu.
Dù đã vãn cảnh xe tới “ăn hàng” tấp nập từ đầu làng cuối xóm, huyên náo kẻ bán người mua, song vẫn thấy được nét yêu đời, yêu nghề rạng trên khuôn mặt từng người thợ kiêm bán hàng, ông chủ kiêm thuyết minh viên về gốm, sứ. Và đáng quý hơn, ngay cả trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, người Bát Tràng vẫn luôn sáng tạo không ngừng, đam mê không ngừng để làm ra những sản phẩm gốm, sứ đẹp và tinh xảo…